Các bệnh nhân đều có biểu hiện rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, lú lẫn, kích động, hành vi bất thường.
Các bệnh nhân làm việc chung tại bộ phận nghiền nhựa tái chế của một công ty sản xuất mành rèm ở Thanh Miện, Hải Dương. Trước khi làm công việc này, tất cả đều có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, chỉ sau 4-30 ngày, các công nhân có chung biểu hiện rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, lú lẫn, kích động, hành vi bất thường.
Bệnh nhân đầu tiên là N.Đ.H., 35 tuổi, nhập viện ngày 9/7 với biểu hiện rối loạn tâm thần, kích động, lẫn lộn, sau đó hôn mê. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) phát hiện não có hiện tượng tổn thương chất trắng và hạ kali máu nặng.
Do đến viện muộn, các yếu tố bệnh chưa rõ ràng và diễn biến nặng, bệnh nhân H. tử vong.
Hình ảnh phim cộng hưởng từ sọ não của bệnh nhân có tổn thương chất trắng. Ảnh: BVCC. |
Bệnh nhân N.K.C. (42 tuổi, ở Quỳnh Phụ, Thái Bình) vào viện trong tình trạng rối loạn tâm thần, mất trí nhớ. Sau khi phát hiện y văn thế giới có một số trường hợp tương tự, các bác sĩ Trung tâm Chống độc chỉ định bệnh nhân xét nghiệm định lượng kim loại thiếc.
Kết quả cho thấy bệnh nhân C. có nồng độ thiếc trong máu hơn 200 microgam/lít, gấp 40 lần ngưỡng cho phép. Bệnh nhân được lọc máu, giải độc thiếc. Sau một tuần điều trị tích cực, tình trạng của người bệnh cải thiện, trí nhớ dần hồi phục.
Với trường hợp của bệnh nhân H. (đã tử vong), các bác sĩ xét nghiệm mẫu máu còn lưu và phát hiện nồng độ thiếc trong máu cao gấp 50 lần ngưỡng cho phép.
Trong số các bệnh nhân đến kiểm tra, nhiều người không có triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm thấy họ bị hạ kali máu nặng, nhiễm toan chuyển hóa hoặc tổn thương não và nồng độ thiếc trong máu tăng rõ. Các bệnh nhân chia sẻ nhiều người làm cùng bộ phận trong thời gian ngắn thấy mệt, khó chịu và phải bỏ việc.
Bệnh nhân nhiễm độc thiếc điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC. |
BS Nguyên cho biết các bệnh nhân trên bị nhiễm độc cấp tính thiếc hữu cơ. Hợp chất này có độc tính rất cao, dễ hấp thu qua hô hấp, da và tiêu hóa.
Nhiễm độc thiếc gây tổn thương nặng ở các cơ quan, bao gồm não (rối loạn tâm thần, tổn thương chất trắng), gan, thận, miễn dịch, máu... Hiện thế giới chưa có phác đồ điều trị nhiễm độc thiếc. Do đó, các bác sĩ phải vừa điều trị vừa theo dõi sát để đánh giá tình hình.
Nguy cơ nhiễm độc thiếc tại Việt Nam cao khi hiện tượng tái chế nhựa và khai khoáng diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng này mới nên thường bị bỏ quên, dễ nhầm với các vấn đề khác như viêm não.
Vì vậy, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, kêu gọi những công nhân làm việc trong môi trường tương tự khẩn trương kiểm tra sức khỏe, ít nhất là sàng lọc tại bệnh viện tỉnh.