“Cuộc đời làm nghề của tôi và đồng nghiệp chưa bao giờ nhiều áp lực như vậy”, điều dưỡng Đặng Thị Công tâm sự.
“Chưa bao giờ nhiều áp lực như vậy”
Dịch bệnh xảy ra bất ngờ, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang được chọn làm cơ sở điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 với quy mô 200 giường bệnh. Trong đó, 180 giường điều trị cho ca mắc ở mức độ nhẹ tới vừa, 20 giường dành cho bệnh nhân nặng.
“Cuộc đời làm nghề của tôi và đồng nghiệp chưa bao giờ nhiều áp lực như vậy”, điều dưỡng Công tâm sự.
Nữ điều dưỡng trưởng Đặng Thị Công của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: Lê Bảo. |
Ngày làm việc đầu tiên sau khi cơ sở y tế này trở thành nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, điều dưỡng trưởng hốt hoảng vì 5 nhân viên dọn vệ sinh xin nghỉ. Lý do là họ không chịu được áp lực từ công việc hiểm nguy này.
“Lúc đầu, ai cũng có tâm lý sợ lây nhiễm. Những người dọn dẹp vệ sinh là chiến sĩ trong công tác phòng, chống dịch. Đa số họ phải mang trên mình trang phục bảo hộ nhiều giờ, khiến cơ thể mất nước”, bà Công nói.
Nữ điều dưỡng trưởng tìm cách thuyết phục các nhân viên quay lại chiến đấu. Điều đó không hề dễ dàng.
Bà gặp gỡ đồng nghiệp dưới tán cây ở cổng viện và đưa điện thoại cho từng người xem. Chiếc màn hình nhỏ chứa những bức hình chụp y, bác sĩ cùng nhau lau dọn, vệ sinh phòng bệnh. Bà đặt câu hỏi cho các đồng nghiệp lâu năm: “Các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành ở Trung ương và bệnh viện lớn lao vào giúp mình và bệnh nhân, còn mọi người vì chút áp lực đã xin nghỉ là sao?”. Nhớ lại giây phút này, bà không giấu nổi nước mắt.
Đợt dịch này cũng là lần đầu tiên nữ điều dưỡng trưởng được làm việc trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành, trong môi trường chuyên nghiệp. Đó vừa là áp lực, vừa là cơ hội để y bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang học hỏi.
“Đây là cơ hội nghìn năm có một để chúng tôi học hỏi, nâng cao tay nghề. Nếu không có dịch, 10 năm nữa chất lượng điều trị cho bệnh nhân mới được như bây giờ”, bà Công chia sẻ.
Theo điều dưỡng trưởng, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang mới thành lập 7 năm, là cơ sở khám, chữa bệnh còn non trẻ. Một đứa bé đang bò bỗng biết chạy chỉ sau ít hôm. Nơi này trưởng thành nhanh, thậm chí chạy như vận động viên.
Nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang hướng dẫn phòng, chống dịch tại nhà cho các bệnh nhân Covid-19 xuất viện ngày 13/8. Ảnh: Phạm Thắng. |
Hết dịch sẽ về
“Chúng tôi xác định không có chuyện sau 14 ngày sẽ về nhà. Tất cả đều quyết tâm làm đến khi hết dịch mới về”, nữ điều dưỡng trưởng của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang quả quyết.
Mỗi sáng, trước khi bắt tay vào công việc, bà ghi ra giấy từng nhiệm vụ cụ thể và sắp xếp khoa học. Những việc thực hiện xong sẽ được đánh dấu, sau đó, bà chỉ đạo, hướng dẫn mọi người triển khai tiếp.
“Nhiều lần trao đổi công việc, một số người giận dỗi, nóng nảy, căng thẳng. Nhưng sau đó, ai cũng nghĩ rằng mình cần cố gắng hơn nữa. Xong ca làm, chúng tôi lại chia sẻ, động viên nhau lấy tinh thần chiến đấu tiếp”, bà Công nói về cách ê-kíp phối hợp.
Người thân của bà rất lo lắng khi nữ điều dưỡng làm việc tại tâm dịch. Nhưng bà luôn có cách động viên và khiến gia đình yên tâm.
Nữ điều dưỡng tiết lộ: “Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi, chúng tôi thường chia sẻ về công tác cứu chữa bệnh nhân trên mạng xã hội. Đây là cách truyền tải thông điệp ra bên ngoài cho gia đình, cộng đồng, để họ yên tâm và đặt niềm tin vào điều chúng tôi đang làm”.
Đáp lại sự cống hiến ngày đêm của đội ngũ y bác sĩ trong tâm dịch, mỗi ngày, hàng chục bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh.
“Mỗi lần có ca mắc hồi phục, tôi rất vui mừng. Chúng tôi đến tận giường của họ để trò chuyện, chia sẻ và căn dặn mọi người về nhà tự cách ly, thực hiện các biện pháp phòng ngừa”, bà Công chia sẻ.
Tối 15/8, Việt Nam ghi nhận thêm 16 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 lên 950.
Cùng ngày, Đà Nẵng công bố chữa khỏi cho 10 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 9 ca tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và một bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Tổng số người được chữa khỏi của thành phố này là 35 bệnh nhân.