Nếu Cristiano Ronaldo giống một người đi chinh phục thì Lionel Messi là biểu tượng của cả một đội bóng trong thế kỷ XXI.
Năm 2001, Lionel Messi đến Barcelona thông qua một tờ giấy ăn. Gần hai thập niên anh chơi bóng tại Camp Nou, diện mạo của Barca thay đổi lớn.
Barca có lịch sử 120 năm, nhưng trước khi Messi đến, CLB này chỉ giành được một chức vô địch Champions League/European Cup vào năm 1992.
4 chức vô địch Champions League còn lại của Barca đều đến trong hai thập niên trở lại đây.
Người ta đã so sánh sự ra đi của Messi với Ronaldinho. Huyền thoại bóng đá người Brazil là nhân tố quan trọng nhất trong chức vô địch Champions League đầu tiên của Barca ở thế kỷ XXI.
Nhưng tầm ảnh hưởng và giá trị biểu tượng mà Messi đem lại cho Barca thì Ronaldinho không thể sánh bằng.
Chúng ta cần tính đến việc Messi đều để lại dấu ấn đậm nét trong 3 chức vô địch Champions League còn lại của Barca ở thế kỷ này. Sự vươn tầm đến đẳng cấp siêu sao của Messi trùng khớp với màn trỗi dậy của Barca.
Trước Messi, Barca là đội bóng lớn, nhưng không vĩ đại như Real, Liverpool hay Bayern Munich. Cả ba CLB kể trên đã thống trị bóng đá châu Âu từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước.
Giọt nước mắt và sự phẫn nộ
Những phản ứng của các cổ động viên Barca sau khi Messi gửi thư đề nghị ra đi nói lên tất cả.
Một nữ cổ động viên 65 tuổi đứng trước trụ sở Barca, khẩn khoản cầu xin Messi ở lại. “Chúng tôi cần cậu, Leo. Hãy để Bartomeu cút đi”, bà nói.
Ít nhất 11 cổ động viên quá khích bị cảnh sát bắt giữ khi đột nhập trụ sở CLB xứ Catalonia, trong một nỗ lực “đánh chiếm” sau biểu tình.
Sau trận chung kết Champions League, khi HLV Thomas Tuchel được hỏi về khả năng Messi đến PSG, ông đã tỏ ra ngạc nhiên. “Messi là Barcelona, và Barcelona là Messi”, Tuchel nói.
Vài ngày sau, Giám đốc thể thao PSG Leonardo bốc máy gọi điện cho ông Jorge Messi, cha của cầu thủ. CLB nước Pháp biết họ đang có cơ hội nghìn năm có một để chiêu mộ Leo.
Sau 34 danh hiệu và 634 bàn thắng ghi được cho Barca, sự ra đi của Messi không đơn thuần là cái kết của một huyền thoại tại CLB bóng đá.
Barca còn lại gì nếu Messi ra đi? Ảnh: Getty. |
“Nơi nào có Messi, nơi đó có hy vọng”, trang Barcelona Football Blog viết.
Messi cùng với Cristiano Ronaldo là hai siêu sao của bóng đá thế giới trong nhiều năm qua. Thậm chí trong quãng thời gian 80 năm còn lại của thế kỷ XXI, chưa chắc thế giới bóng đá đã được chứng kiến một cầu thủ nào có tài năng và sự ổn định phi thường như hai người kể trên.
Nhưng nếu Ronaldo gần như một người đi chinh phục, thì Messi lại là biểu tượng của Barca trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại.
Messi là minh chứng cho sự ưu việt trong phương pháp đào tạo, tìm kiếm và trọng dụng nhân tài của Barca. Leo là viên kim cương trên vương miện của thứ bóng đá đặc biệt mà Barca luôn tự hào.
Ronaldo, Rooney hay Neymar sẽ không bao giờ có những điều khoản kiểu như tự do ra đi nếu muốn trong hợp đồng. Messi thì khác. Tầm vóc, lòng trung thành và sự cống hiến của Messi cho Barca đủ lớn để CLB này sẵn sàng cài điều khoản bị coi là “tự sát” trong nền công nghiệp bóng đá.
Cho đến trước mùa hè này, ban lãnh đạo Barca và chính bản thân Messi có lẽ cũng không nghĩ đến một lúc nào đó, cả hai không còn đi chung một con đường.
Việc Messi gửi “burofax” đòi ra đi tạo ra một vết nứt lớn cho di sản của anh tại Camp Nou.
Messi và Barca từng là một sự kết hợp trong mơ của bóng đá, giờ thì nó đã xuất hiện những vết rạn. Nếu Messi và Barca lôi nhau ra tòa, đó sẽ là điều kinh khủng nhất mà các CĐV đội bóng Tây Ban Nha có thể tưởng tượng.
Những người yêu mến Barca sẽ cảm thấy như một phần linh hồn hay ký ức của họ mất đi. Chứng kiến Messi tỏa sáng trong một màu áo khác và ra đi theo cách như thế này luôn là điều đau đớn.
Messi và Barca có thể không còn đi chung đường. Ảnh: Getty. |
Barca sống sao?
Hiển nhiên, vài CĐV Barca có thể nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề. Sự ra đi của Messi có thể giúp Barca tiết kiệm được hơn 111 triệu euro tiền lương mỗi năm.
Nếu Barca bán được Messi với cái giá vài trăm triệu euro, đội chủ sân Camp Nou sẽ tạm ổn về mặt tài chính.
Chủ tịch Bartomeu và nhiều thành viên ban lãnh đạo Barca cũng nghĩ như thế. Truyền thông xứ Catalonia tiết lộ bất kỳ một CLB nào muốn Messi có thể phải trả một con số kỷ lục, lớn hơn cả số tiền 222 triệu euro của Neymar năm xưa.
Nếu Messi quyết ra đi, Barca muốn nhận lại con số xứng đáng. CLB này đang nợ gần 700 triệu euro (thống kê từ Forbes) và đối mặt cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất lịch sử.
Trong ngắn hạn, sự ra đi của Messi có thể giúp tình hình tài chính Barca rất nhiều. Nhưng về mặt lâu dài, việc không còn Messi trong đội hình sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn đến thương hiệu Barca.
Vào tháng 2, Financial Times ước tính giá trị thương hiệu của Juventus đã tăng 31,3% sau hai năm chiêu mộ Ronaldo. Tiền Juve nhận từ các nhà tài trợ tăng lên khi có Ronaldo.
Messi vẫn là một trong hai thương hiệu cầu thủ bóng đá có ảnh hưởng nhất thế giới. Khi Ronaldo rời Real, Chủ tịch Florentino Perez đã chuẩn bị một kế hoạch bài bản để thay thế.
Họ chi hàng trăm triệu gom các tài năng trẻ trên khắp thế giới. Nhưng đó chỉ là những giải pháp bảm đảo thành công trên sân cỏ.
Như những gì cựu Giám đốc thể thao Real, Jorge Valdano thừa nhận, sức hút của thương hiệu Real trước và sau khi có Ronaldo không bao giờ giống nhau.
Những gì đang diễn ra tại Barca khiến các CĐV cảm thấy tệ hơn. Barca không có một chủ tịch tài ba như Perez, đội ngũ của CLB toàn những ông già trên 30 tuổi và đã sa sút không phanh.
Sự ra đi của Messi sẽ là đòn đánh mạnh nhất cho CLB trên cả phương diện sân cỏ lẫn thương hiệu.
Ronald Koeman có thể xây dựng một triều đại mới với những cầu thủ Hà Lan mà ông đem về. Sadio Mane hay Neymar là những cái tên được đồn đoán có thể thay Messi tại Camp Nou.
Nhưng tất cả họ sẽ đứng trước áp lực khổng lồ sau khi Leo ra đi. Với mô hình quản trị hiện tại, Barca sẽ đi về đâu nếu so với những Man City, Bayern hay Real Madrid?
Bóng đá hiện đại liên tục thay đổi chóng mặt trong những năm qua, còn Barca lại đi thụt lùi.
Kể từ khi Neymar rời Camp Nou với số tiền 222 triệu euro, Barca đã chi 350 triệu euro để mua Coutinho, Dembele và Griezmann về thay thế.
Và nếu Barca không thể thay được Neymar, ai dám tin CLB này có thể thay được Messi. Barca có thể mất nhiều năm để xây dựng lại đội hình. Khi đó, đội bóng này có thể đã bị Real, Bayern hay Liverpool bỏ xa về mặt bóng đá lẫn tài chính.
Một ngày nào đó, Messi có thể hối tiếc về quyết định ra đi hôm nay. Nhưng có một điều chắc chắn, Barca mới là bên mất nhiều hơn khi không còn Leo trong đội hình.